Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhiều lần lưu ý tới các diễn biến gần đây trên một số loại thị trường khi báo cáo về tình hình kinh tế – xã hội tháng 3 và 3 tháng đầu năm 2021 tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2021 chiều nay (31/3).
Bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chỉ ra 7 điểm cần lưu ý.
Bên cạnh dịch bệnh COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp trên thế giới, căng thẳng giữa các quốc gia lớn ngày càng gia tăng, Bộ trưởng cũng cho rằng tăng trưởng kinh tế tích cực nhưng vẫn chưa đạt được tốc độ tăng cùng kỳ của các năm ở thời điểm trước dịch và các kịch bản đã đề ra.
Bên cạnh đó, một số ngành, lĩnh vực tiếp tục gặp nhiều khó khăn do tác động của dịch bệnh. Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống quý I giảm 3% so với cùng kỳ năm trước, doanh thu du lịch lữ hành giảm sâu, lên đến 60,1%; hoạt động vận tải, hàng không bị tác động nghiêm trọng. Tình hình đăng ký doanh nghiệp vẫn cho thấy tác động dai dẳng của dịch bệnh.
Một điểm cần lưu ý khác, theo Bộ trưởng, nguồn vốn tập trung vào một số lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro hơn là để phục vụ mở rộng sản xuất, kinh doanh.
“Một phần nguyên nhân do lãi suất ở mức thấp, dòng tiền đang có xu hướng đầu tư vào thị trường bất động sản, một phần do công tác quản lý đất đai, quy hoạch và việc thổi giá của đối tượng môi giới, tạo nên các cơn sốt đất, khiến giá bất động sản nhiều khu vực tăng mạnh trong những tháng đầu năm, bất chấp diễn biến của dịch bệnh”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhận định.
Bên cạnh đó, thị trường trái phiếu phát triển nhanh nhưng chủ yếu là trái phiếu của doanh nghiệp bất động sản và ngân hàng, sự tham gia của các doanh nghiệp sản xuất còn hạn chế. Tương tự, tổng mức huy động vốn vào thị trường chứng khoán tăng cao, tuy nhiên, giá trị phát hành cổ phiếu giảm, cho thấy nguồn vốn vào thị trường không thực sự để phục vụ mở rộng sản xuất, kinh doanh. Trong thời gian tới, cần chú trọng theo dõi sát diễn biến các thị trường trên, không để xảy ra tình trạng bong bóng thị trường, tiềm ẩn nhiều rủi ro, ảnh hưởng đến nền kinh tế.
Chi phí logistics còn cao, ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của doanh nghiệp và nền kinh tế. Xuất khẩu vẫn phụ thuộc chủ yếu vào khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, nhập khẩu tập trung cao vào một số thị trường.
Cổ phần hóa, thoái vốn của doanh nghiệp nhà nước chậm, không đạt kế hoạch, hoạt động của doanh nghiệp nhà nước còn nhiều khó khăn, vướng mắc, chưa được giải quyết triệt để, hiệu quả, đóng góp chưa tương xứng với quy mô tài sản, nguồn lực đang nắm giữ.
Vướng mắc của nhiều doanh nghiệp tư nhân, FDI, đầu tư công chưa được quan tâm xử lý, tạo điều kiện để khơi thông các điểm nghẽn, giải phóng nhiều nguồn lực cho đầu tư phát triển.
Để đạt mục tiêu GDP, quý II cần tăng trưởng 7,19%
Cập nhật kịch bản tăng trưởng kinh tế, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tốc độ tăng trưởng GDP quý I đạt 4,48%, tuy cao hơn mức tăng trưởng dự báo trong Báo cáo tháng 1/2021 nhưng vẫn thấp hơn 0,64 điểm phần trăm so với mục tiêu đặt ra trong Nghị quyết 01/NQ-CP.
Do đó, để đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2021 là 6,5% thì quý II/2021 GDP cần đạt mức tăng trưởng 7,19% (cao hơn 0,08 điểm phần trăm so với Nghị quyết 01); quý III cần tăng 6,78% (cao hơn 0,07 điểm phần trăm) và quý IV cần tăng 7,16% (cao hơn 0,49 điểm phần trăm).
Để đạt mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội, nhiệm vụ đặt ra là khá nặng nề. Tuy nhiên, xu hướng phục hồi kinh tế thế giới và trong nước đã rõ ràng hơn, do vậy ngoài việc hỗ trợ các ngành, lĩnh vực còn gặp khó khăn, cần tập trung các giải pháp để kích thích tăng trưởng, thúc đẩy phục hồi toàn diện nền kinh tế, Bộ trưởng cho biết thêm.